- Tin Tức Phú Quốc
Kiên Giang: Tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững và có chiều sâu
Cập Nhật: 28/1/2021 | 8:38:49 PM
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh (năm 2015 đạt 47.076 tỷ đồng, năm 2020 đạt 71.755 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.458 USD năm 2020 (gấp 1,66 lần so với năm 2015).
Để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Kiên Giang xác định đổi mới mô hình tăng trưởng tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng năng suất, hàm lượng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện tái cơ cấu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, liên doanh liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm dần diện tích trồng lúa, phát triển diện tích trồng cây ăn trái và cây có giá trị kinh tế khác ở những nơi phù hợp. Hình thành các vùng trồng lúa hàng hóa quy mô lớn có hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ.
Đẩy mạnh chăn nuôi, kết hợp giữa nuôi nhỏ lẻ của hộ gia đình với phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, đa dạng hóa vật nuôi, gắn với nhu cầu thị trường. Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo đảm cơ cấu phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến; giảm dần tiến tới chấm dứt khai thác ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đáp ứng yêu cầu sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu với nâng cao giá trị nông sản.
Thực hiện tốt việc trồng và bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng. Quy hoạch ổn định diện tích đất lâm nghiệp, phát triển rừng sản xuất làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng ở các khu vực Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông. Khôi phục và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, bãi bồi ven biển, hệ sinh thái rừng tràm kết hợp với bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản và động vật hoang dã. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành công nghiệp từ phát triển chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu nhằm tăng hiệu quả kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo. Phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp chính vào nền kinh tế của tỉnh; có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tiến hành thực hiện tốt quy hoạch không gian, hạ tầng du lịch và quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh gắn kết với các vùng, điểm, tuyến du lịch của các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Xây dựng một số trung tâm du lịch, các khu du lịch, các điểm du lịch, các tour, tuyến du lịch ở Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Hải, U Minh Thượng. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển phương tiện giao thông công cộng kết nối đồng bộ giữa thành phố Rạch Giá đến các điểm tham quan, các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch để kêu gọi đầu tư và thu hút du khách. Chú trọng phát triển nhanh nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.
Tập trung phát triển kinh tế biển trở thành thế mạnh của tỉnh kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở các xã, huyện, ven biển, đảo. Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý quy hoạch không gian biển, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển. Phát triển du lịch và dịch vụ biển, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng cho du lịch, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển như: Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, thành phố Rạch Giá. Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế. Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, kết nối với các tuyến du lịch trong nước và quốc tế để Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới.
Khu đô thị Phú Cường góp phần thay đổi diện mạo thành phố Rạch Giá (Kiên Giang)
Đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị, nâng cấp, mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng mới cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 23 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I (Rạch Giá và Phú Quốc), 1 đô thị loại II (Hà Tiên). Tập trung phát triển các đô thị động lực: Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, An Biên, Giồng Riềng; tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển-đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Xây dựng thành phố Rạch Giá xứng tầm là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Nghiên cứu có thể quy hoạch mở rộng thành phố Hà Tiên; xây dựng thành phố Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa-du lịch lớn của tỉnh và khu vực. Xây dựng Kiên Lương lên thành đô thị-công nghiệp có quy mô lớn, hiện đại và trung tâm du lịch cấp tỉnh. Hình thành và phát triển các đô thị ở Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo gắn kết với phát triển vùng đất liền. Xây dựng huyện An Biên thành đô thị vùng U Minh Thượng; huyện Giồng Riềng thành đô thị vùng Tây Sông Hậu.
Quyết tâm thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông, hạ tầng điện, hệ thống thủy lợi phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng ở các đô thị. Tích cực huy động các nguồn vốn và đa dạng hóa các hình thức đầu tư để tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không kết nối với các tỉnh, thành trong nước và một số nước lân cận. Tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông; xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông theo hướng hiện đại, có dung lượng lớn kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, để phát triển kinh tế số... Mở rộng vùng phủ sóng của các mạng viễn thông di động 4G và phát triển các mạng thế hệ sau. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Phát triển hệ thống cấp điện trên cơ sở các quy hoạch phát triển điện lực cấp quốc gia, quan tâm đầu tư hệ thống điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; quy hoạch phát triển điện tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030 có xét đến năm 2035 và các đề án phát triển điện cho đảo Phú Quốc, các đảo khác trong tỉnh. Đầu tư điện lưới quốc gia hoặc năng lượng tái tạo cho các xã đảo: An Sơn, Nam Du, huyện Kiên Hải và đảo Thổ Châu.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5% trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.485 USD; cơ cấu kinh tế: Nông-lâm-thủy sản chiếm 25,2%, công nghiệp-xây dựng chiếm 25,43%, dịch vụ chiếm 49,37%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 1,78%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 10%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41,45%. Thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 đạt 73.645 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng 267.179 tỷ đồng.
(Nguồn: Baomoi)
- Tin tức khác
- Tin quan tâm nhiều nhất