- Nội - Ngoại Thất
Phong cách Zen - Đưa chất thiền vào không gian nhà ở
Cập Nhật: 22/2/2021 | 10:25:57 AM
Cuộc sống hiện đại đầy hối hả, nhiều áp lực, căng thẳng khiến con người ngày càng có nhu cầu tìm kiếm sự yên tĩnh, thư giãn. Không cần đi đâu xa, bạn có thể tìm thấy những điều này ngay trong nhà mình với phong cách Zen đậm chất thiền, cân bằng và thanh tịnh.
ất kỳ ai cũng có lúc phải đối mặt với căng thẳng, áp lực, những khoảng thời gian vô định, mất cân bằng, đặc biệt là trong nhịp sống hối hả ngày nay. Để giải tỏa căng thẳng, nhiều người tìm đến những không gian thiền định, tìm lại sự yên tĩnh, cân bằng. Đó cũng là lý do vì sao phong cách Zen ngày càng phát triển, trở thành một trong những phong cách thiết kế kiến trúc, nội thất, trang trí nhà cửa được ưa chuộng hiện nay. Vậy phong cách Zen là gì? Phong cách Zen có nguồn gốc từ đâu? Đặc trưng của phong cách Zen được thể hiện như thế nào? Hãy cùng Phuquoc.net.vn tìm hiểu về phong cách Zen trong thiết kế nhà ở trong bài viết dưới đây.
1. Phong cách Zen là gì?
Trong tiếng Nhật, từ “Zen” có nghĩa là “Thiền”, đề cập đến một trạng thái tâm thức mang giá trị về trực giác. Thiền định đã được chứng minh là phương pháp giúp duy trì cảm giác cân bằng và tĩnh tại. Phong cách Zen là sự kết hợp giữa nội thất truyền thống Nhật Bản và phong cách tối giản (Minimalism), đưa các yếu tố thiên nhiên vào trong công trình kiến trúc, nội thất một cách khéo léo.
Phong cách Zen kết hợp các đặc trưng của nội thất truyền thống Nhật Bản và phong cách tối giản (Minimalism).
Trong kiến trúc, Zen phản ánh sự cân bằng, thư giãn và hài hòa giữa các yếu tố. Với Zen, ngôi nhà của bạn và thế giới thiên nhiên xung quanh sẽ có nét tương đồng, hòa hợp với nhau, mang đến sự thư giãn, thanh tịnh và bình yên. Phong cách Zen được coi là một đỉnh cao của kiến trúc Nhật Bản, truyền cảm hứng về sự giản dị, góp phần giúp không gian trở nên thanh tịnh mà vẫn rất lôi cuốn. Zen còn được nâng tầm thành một triết lý sống, đề cao sự tối giản, thuận tự nhiên.
Không gian nhà ở theo phong cách Zen đề cao yếu tố tự nhiên, sự cân bằng, tĩnh tại.
2. Đặc trưng của phong cách Zen
Trong xây dựng kiến trúc nhà cũng như thiết kế nội thất Zen, tất cả đều được bố trí, sắp xếp sao cho khai thác được sự hài hòa trong căn hộ một cách tối đa. Thay vì chú trọng vào vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, phong cách Zen trong thiết kế kiến trúc, nội thất tập trung vào những thứ thiết yếu bên trong một ngôi nhà, sắp xếp, bố trí sao cho đạt được sự hài hòa một cách tối đa. Ngoài sự tối giản, phong cách này cũng chú trọng yếu tố phong thủy. Dưới đây là một số đặc trưng về cách sử dụng màu sắc, vật liệu và nội thất trong phong cách Zen mà bạn cần lưu ý nếu muốn thiết kế một không gian theo phong cách này:
Màu sắc
Những màu sắc chủ đạo thường được sử dụng trong phong cách Zen là màu trắng, kem, be, nâu gỗ nhạt,… Đây đều là những tông màu tự nhiên, trung tính, thiên về tông màu của đất để mang đến cảm giác thư giãn, bình yên và cân bằng trong tâm hồn. Các màu sắc được phối hợp hài hòa, tránh sự tương phản, đối chọi gay gắt, tạo sự liên kết, đồng nhất với nhau trong tổng thể không gian. Mặc dù vậy, bạn cũng không nên quá cứng nhắc. Ở một số trường hợp, để tránh cảm giác đơn điệu và trầm lắng quá mức, bạn vẫn có thể bổ sung thêm đường viền với màu sắc phù hợp để tạo điểm nhấn cho những căn phòng đơn sắc. Đừng ngại nếu muốn thêm một chút tươi sáng vào không gian.
Phong cách Zen chuộng sử dụng các tông màu tự nhiên, trung tính như trắng, kem, be, nâu gỗ nhạt, thiên về tông màu của đất để tạo cảm giác thư thái, bình yên.
Tuy nhiên, đôi khi ta vẫn có thể phá cách một chút với những màu sắc bắt mắt trong không gian Zen hiện đại.
Ánh sáng
Zen vốn được coi là một con đường dẫn tới sự giác ngộ, cũng là một lý thuyết thiết kế dựa trên ánh sáng. Nói đến phong cách Zen trong nội thất, nhiều người sẽ tưởng tượng ra khung cảnh căn nhà gỗ của người Nhật có ánh sáng tự nhiên xuyên qua mành cửa bất kể sáng hay chiều. Đúng với nguyên lý thuận tự nhiên, người Nhật rất thích tận dụng ánh sáng mặt trời trong không gian sống. Vì vậy, trong không gian đậm chất Zen, bạn sẽ thấy những cánh cửa được mở rộng để ánh sáng tự nhiên tràn vào nhà, hạn chế sử dụng đèn thắp sáng vào ban ngày. Nếu sử dụng đèn, nguồn sáng nhân tạo này cũng sẽ được làm dịu đi để mô phỏng không gian ngoài trời.
Ánh sáng tự nhiên tràn ngập không gian thiền định của phong cách Zen.
Chất liệu
Giống như màu sắc và ánh sáng, chất liệu được sử dụng phổ biến nhất trong phong cách Zen đều có nguồn gốc tự nhiên, thô mộc như gỗ, tre, đá, sỏi,… Chất liệu bọc đồ nội thất, làm chăn gối hay rèm cửa cũng lựa chọn các loại vải theo tông màu tự nhiên, đơn sắc. Các chất liệu này mang lại cảm giác ấm áp, yên bình cho toàn bộ không gian nhà ở, đồng thời toát lên chất thiền, mộc mạc, đơn giản, chân thực.
Gỗ, tre, đá, sỏi,... là những chất liệu quen thuộc trong không gian kiến trúc, nội thất phong cách Zen
Đồ nội thất
Nội thất theo phong cách Zen rất dễ nhận biết qua những đặc trưng như đường nét đơn giản, rõ ràng, không sử dụng nhiều chi tiết phức tạp, tối giản đồ trang trí. Nhà phong cách Nhật thường được trang thiết bị nội thất có chức năng lưu trữ như tủ quần áo, tủ gỗ, ngăn kéo,… Các món đồ này hầu hết được sơn theo tông màu chủ đạo của căn phòng, tạo nên vẻ hài hòa cho tổng thể không gian.
Đồ nội thất phong cách Zen thường có đường nét đơn giản, rõ ràng, không sử dụng nhiều chi tiết phức tạp.
Không gian lưu trữ rất quan trọng khi áp dụng phong cách Zen trong nhà ở thế kỷ 21. Với cuộc sống hiện đại, nhà bạn sẽ có ti vi, laptop, hệ thống âm thanh, thiết bị điện tử,… Nhưng chúng không nhất thiết phải được trưng ra ngoài liên tục mà có thể cất gọn vào một góc nào đó, để không gian nhà bạn vẫn giữ được chất thiền, tối giản và thanh tịnh. Bạn hãy chọn kiểu tủ để đồ gồm những tấm ván phẳng, thiết kế đơn giản để cất giữ bộ sưu tập sách, tranh ảnh, vật dụng nhà bếp, dụng cụ thể thao. Với phòng thay đồ, hãy lựa chọn những bộ quần áo mà bạn thường mặc nhất để treo vào tủ, còn lại hãy cất gọn để giải phóng tầm nhìn.
Ti vi được giấu gọn sau chiếc tủ gỗ mỗi khi không sử dụng.
Về phụ kiện trang trí, dù đề cao sự tối giản, phong cách Zen vẫn có những món đồ phụ kiện, décor rất đặc trưng như chiếu Tatami, thảm cói, rèm cửa bằng tre hoặc trúc, đồ thủ công truyền thống Nhật, tượng chủ đề thiền,... Những chi tiết này được sắp đặt theo quy tắc, trật tự khá nghiêm ngặt để định hình một không gian thiền định thực sự.
Cây xanh
Văn hóa truyền thống Nhật Bản luôn đề cao, tôn trọng thiên nhiên. Do đó, yếu tố cây xanh luôn xuất hiện trong không gian nhà ở theo phong cách Zen. Những loại cây thường được sử dụng nhiều nhất là tre, trúc, tùng, cây bon sai, cây thủy sinh,… Các loại hoa, cây cảnh có màu sắc sặc sỡ, hương thơm nồng ít phổ biến hơn.
Cây xanh là yếu tố không thể thiếu trong phong cách Zen.
3. Một số gợi ý thiết kế nhà ở theo phong cách Zen
Đến đây, bạn đã nắm được các đặc trưng của phong cách Zen chưa? Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tham khảo một số gợi ý thiết kế theo phong cách Zen, ứng dụng cho từng không gian cụ thể nhé!
Phòng sinh hoạt chung ấm cúng, bình yên với tông màu gỗ trầm ấm và không gian đậm chất truyền thống Nhật.
Sự tối giản, cân bằng, gọn gàng, không dư thừa là chìa khóa của thiết kế phong cách Zen.
Phòng tắm phong cách Zen ngập tràn ánh sáng tự nhiên.
Phong cách Zen được biến tấu để phù hợp với không gian căn hộ hiện đại.
Căn hộ tông trắng thanh lịch hơn với phong cách Zen
Ứng dụng tranh, tượng chủ đề Phật giáo trong các thiết kế kiểu Zen.
(Nguồn: ThanhNienViet)
- Tin tức khác
- Tin quan tâm nhiều nhất