Google Tag Manager:
  • Tin Quy Hoạch
    • Quy hoạch
    • Tin Quy Hoạch
    • Bản Đồ Quy Hoạch
    • Tin tức
    • Phân Tích - Nhận Định
    • Tư Vấn Phong Thủy
    • Tư Vấn Luật
    • Nội - Ngoại Thất
    • Tin Tức Phú Quốc
    • Tin Thị Trường
    • Kinh Nghiệm - Kiến Thức

Cập nhật thông tin quy hoạch phường An Thới, Phú Quốc 2021

Cập Nhật: 22/2/2021 | 2:02:42 PM

Phường An Thới là khu đô thị nằm ở phía Nam huyện đảo Phú Quốc, một trong hai phường lớn nhất Phú Quốc với diện tích hành chính hiện tại lên đến 26,91 km2.

Thông tin quy hoạch An Thới

An Thới là đầu mối giao thông cảng biển quan trọng nhất của thành phố Phú Quốc, là nơi tập trung các khu đánh bắt, sản xuất, chế biến và kinh doanh đầu mối thủy sản, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo. Bài viết dưới đây chúng tôi xin cung cấp thông tin quy hoạch phường An Thới năm 2020. Hi vọng bài viết sẽ giúp các nhà đầu tư bất động sản có cái nhìn bao quát nhất về phường An Thới cũng như có sự lựa chọn đầu tư sáng suốt, hiệu quả.

1. Tổng quan về Phường An Thới Phú Quốc

Trước giải phóng, An Thới có tên là Cây Dừa, là một xã thuộc quận Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, là nơi giam giữ tù binh chính trị của chính quyền chế độ cũ. Sau 30-04-1975, An Thới trở thành thị trấn của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây là đầu mối giao thông cảng biển lớn nhất đảo, là điểm cực Nam của trục giao thông chính Bắc Nam của huyện đảo.  An Thới cũng có vị trí rất gần với các đảo nhỏ có cảnh quan du lịch đẹp như: Hòn Dừa, Hòn Thơm, Hòn Rỏi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

An Thới nằm trong vùng khí hậu của đảo Phú Quốc, do vị trí nằm ở vĩ độ thấp lại lọt sâu vào vùng vịnh Thái Lan, xung quanh biển bao bọc nên thời tiết mát mẻ mang tính nhiệt đới gió mùa. Khí hậu chia hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau và mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 âm lịch đến tháng 10 âm lịch. Với địa hình đảo Phú Quốc khá phức tạp và bị chia cắt bởi nhiều sông suối, đồi núi. Khu vực An Thới nằm ở phía Nam đảo, địa hình dạng đồi núi xen kẽ các đồng bằng hẹp có độ dốc trung bình 15 độ, thấp dần về phía Tây và Tây – Nam.

2. Quy hoạch phường An Thới Phú Quốc

Hiện tại quy hoạch An Thới là một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư bất động sản tại đây: .Khu đô thị An Thới là một trong những đô thị quan trọng của thành phố du lịch đảo Phú Quốc, chức năng là khu đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật – trung tâm tiếp vận, phi thuế quan, thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp nhẹ. Đồng thời đô thị An Thới cũng đóng vai trò là trung tâm văn hóa, gìn giữ giá trị lịch sử, nhân văn của đảo.

  • Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 có ranh giới hành chính của phường An Thới nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc có diện tích 1.022 ha, tính thêm diện tích rừng phòng hộ (rừng bảo tồn) khoảng 222,8 ha tổng cộng là 1244,8 ha.
  • Quy mô dân số An Thới đến năm 2030 là khoảng 71.000 người. Đất xây dựng đô thị 1.022 ha. Mật độ dân cư khoảng 70 – 80 người/ha. Mật độ xây dựng trung bình 30 – 35%, hệ số sử dụng đất tối đa 4,2 lần.

     Thông tin bạn không thể bỏ qua:  Bản đồ quy hoạch An Thới, Phú Quốc 1/2000     

2.1 Các quyết định quy hoạch phường An Thới Phú Quốc

Tháng 10/2004, TTg Chính Phủ ra quyết định 178/2004 QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn 2020 trong đó quy hoạch An Thới trở thành đô thị công nghiệp cảng, nơi chế biến và kinh doanh thủy sản, từng bước trở thành một trong 3 trung tâm thương mại lớn của Phú Quốc.

Tháng 11/2005, TTg Chính Phủ ra quyết định QĐ 1197-2005 phê duyệt đồ án quy hoạch chung đảo Phú Quốc tiếp tục xác định phường An Thới là trung tâm cảng, dịch vụ thương mại, an ninh, quốc phòng, đến năm 2010 có quy mô dân số khoảng 25.000 – 28.000 người, quy  mô đất đai khoảng 350 – 400 ha; đến năm 2020 có quy mô dân số khoảng 40.000 – 45.000 người, quy mô đất đai khoảng 500 – 600 ha gồm: các khu phố thương mại, dịch vụ cảng và du lịch; phát triển các khu đô thị mới; phát triển cảng và công trình dịch vụ cảng.

Tháng 1/2006, Thủ tướng ra quyết định 14/2006/TTg-CP phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc 2010, định hướng đến 2020 trong đó xác định An Thới là một đầu mối giao thông quan trọng cả về đối nội và đối ngoại trong khu vực, là đô thị cảng biển có cầu tàu và bến phao công suất lớn (3000 DWT) phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Tháng 1/2007, Thủ tướng ra quyết định 01/2007/TTg-CP phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2006 – 2020 xác định An Thới và các khu vực phụ cận là cụm du lịch tham quan di tích lịch sử  và nghỉ dưỡng cao cấp.

Tháng 5/2010, Thủ tướng ra quyết định 633/2010/TTg-CP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 xác định An Thới cùng với Dương Đông và Cửa Cạn là 3 khu đô thị chính của Phú Quốc, trong đó An Thới là khu đô thị cảng quốc tế, đầu mối kỹ thuật – trung tâm tiếp vận, phi thuế quan, thương mại, du lịch và dịch vụ du lịch, công nghiệp nhẹ; là trung tâm văn hóa có chức năng gìn giữ giá trị lịch sử, nhân văn của toàn đảo.

>> Có thể bạn quan tâm: Thông tin quy hoạch phường Dương Đông Phú Quốc

2.2  Cấu trúc đô thị  phường An Thới Phú Quốc

Phường An Thới có cấu trúc đô thị được hình thành nên bởi 4 trục:

Trục chính Bắc Nam: Gồm 2 đường là đường Tỉnh lộ 46 thuộc trục đường chính thứ nhất cắt ngang đảo Phú Quốc theo hướng Bắc Nam và đường trục (đường An Thới-Cửa Lấp) phân biệt rõ khu đô thị và khu nghỉ dưỡng.

Trục chính Đông Tây: Là trục đường kết nối cảng với đường Tỉnh lộ 46, mang cả bầu không khí nhộn nhịp của cảng vào sâu trong đảo. Có triển vọng quy hoạch thành trục thu hút là động lực phát triển kinh tế xã hội của An Thới.

Trục tâm linh: Đường cây xanh nằm ở phía Bắc trục đường chính Đông Tây kéo dài từ khu nghĩa trang liệt sĩ có vai trò là trục biểu tượng cho sự kế thừa văn hóa lịch sử của đảo, nơi thờ phụng vong linh các chiến sĩ anh hùng đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại phía Nam của trục chính Đông Tây cũng bố trí đường cây xanh, tạo không gian nghỉ ngơi cho người dân đô thị. Bố trí các tòa nhà, các khu hỗn hợp có giá trị cao thống nhất với màu xanh thiên nhiên tại hai bên đường cây xanh.

Trục liên kết khu vực: Là trục tạo ra sự phát triển kinh tế, phát huy được hiệu quả đồng vận dựa vào sự liên kết giữa đô thị mới An Thới với các khu du lịch, khu vực công nghiệp xung quanh. Liên kết ngành giữa khu công nghiệp Vịnh Đầm với cảng Vịnh Đầm và liên kết du lịch Bãi Sao, Bãi Khem và các đảo Nam An Thới.

2.3 Các khung quy hoạch An Thới Phú Quốc

Phường An Thới thành phố Phú Quốc là khu đất nghiên cứu của QH lần này có dân số sinh sống tại đô thị khoảng 69.000 người. Có thể nói, để phát triển kinh tế ổn định, việc quy hoạch dân số ổn định là vô cùng quan trọng. Theo đồ án quy hoạch đất ở khu đô thị An Thới Phú Quốc, ước tính quy mô dân số tại An Thới đến năm 2030 là khoảng 71.000 người.

Khu vực Dân số QH Ghi chú

Khu đô thị mới

(KQH ngoài các khu vực có QH hiện hữu)

39.640 - Số hộ = 39640/4=9910
Khu quy hoạch nhà ở Suối Lớn 10.260

- Quy hoạch khu nhà ở Suối Lớn có khoảng một nửa mặt bằng xây dựng thuộc khu An Thới.

- Theo quy hoạch hiện hữu, trong tổng số 25.537 dân toàn khu nhà ở, 11.300 người sẽ trực thuộc phường An Thới.

- Về cơ bản kế thừa nội dung QH hiện hữu tuy nhiên, sau khi tiến hành xem xét lại một số phần của quy hoạch như thoát nước mưa, hình dạng đường,… diện tích nhà ở và dân số quy hoạch được quy định giảm bớt.

Khu tái định cư 7.500 - Thay đổi so với vị trí tại Quy hoạch hiện hữu nhưng diện tích nhà ở và dân số quy hoạch vẫn giữ nguyên như quy hoạch hiện hữu.

Khu nuôi trồng thủy sản

– Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án hỗn hợp du lịch và trung tâm giống thủy hải sản phú quốc

– QHCTXD khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại Phú Quốc

600

- Thiết lập dựa trên bản vẽ QH sử dụng đất của QH hiện hữu.

- Thiết lập dựa trên các số liệu như diện tích nhà ở cho người lao động vv được thể hiện trong quy hoạch hiện hữu.

Khu phố hiện hữu 11.000 - Theo như quy hoạch chung
Khách du lịch (Khu nghỉ dưỡng) 2.000 - heo như quy hoạch chung
Tổng 71.000 - Theo như quy hoạch chung

2.4  Phân vùng chức năng An Thới Phú Quốc

Các chức năng được đưa vào khu quy hoạch về cơ bản được quy định theo quy hoạch chung (Quyết định số 633/2010/TTg-CP).

Công trình hành chính:

Đưa vào các công trình hành chính như trụ sở HĐND, UBND An Thới, Đảng ủy và các sở ban ngành liên quan tại An Thới. Công trình hành chính được bố trí tại khu vực gần như trung tâm của KQH để tạo sự thuận tiện cho nhân dân toàn khu vực An Thới.

Công trình cảng:

Xây dựng 2 cảng quốc tế tại KQH. Cảng phía Nam núi Rada được xây dựng thành cảnh khách quốc tế, là một đầu mối du lịch của An Thới. Cảng An Thới rìa phía Nam khu An Thới được quy hoạch mở rộng các công trình hiện hữu để phát triển thành đầu mối thương mại vận tải hàng hóa quốc tế.

Công trình thương mại dịch vụ:

Bố trí công trình thương mại dịch vụ lớn nhất An Thới tại nút giao giữa trục chính Bắc Nam và trục chính Đông Tây nơi tiếp cận với khu cảng khách du lịch và khu nghỉ dưỡng. Từ đó tạo ra sức hút đối với khách du lịch, tăng thêm nguồn thu du lịch cho khu vực An Thới

Công trình resort:

Đưa vào các khách sạn trung và cao tầng dành cho khách du lịch, thương nhân, các khách sạn resort thấp tầng tại khu bờ biển phía Tây, quy hoạch thành các khu resort ven biển dưới dạng du lịch thư giãn tại khu nghỉ. Bên cạnh đó, tại phía Đông núi Rada, bố trí các resort dạng trải nghiệm khám phá phức hợp tận dụng cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp của An Thới. Hình thành nên khu resort nơi khách du lịch có thể nghỉ lại tại chân núi và trải nghiệm các môn thể thao, nghệ thuật, tìm hiểu về thiên nhiên, những điều mà họ không thể trải nghiệm được tại thành phố.

Công trình nhà ở:

Nhà ở được quy hoạch cân bằng nhiều loại phù hợp với nhu cầu sử dụng đa dạng. Khu nhà ở cao và trung tầng được bố trí các tòa nhà từ 4 tầng trở lên như các chung cư, chung cư cho thuê,… Khu nhà ở thấp tầng được bố trí đa dạng phù hợp với thu nhập của người dân, từ các kiểu nhà mật độ cao như nhà liên kế, nhà ở kết hợp cửa hàng đến các căn hộ đơn lập song lập thoáng đãng dành cho người có thu nhập cao.

Làng xóm được cải tạo:

Chủ yếu là khu phố trung tâm hiện hữu quanh cảng An Thới, tiến hành cải tạo nâng cấp công trình hạ tầng, khôi phục lại đặc trưng văn hóa và bầu không khí nhộn nhịp vốn có, nâng cao môi trường sống của người dân.

 Khu công viên, đất cây xanh:

Bố trí đường cây xanh có hình dạng tự nhiên tận dụng địa hình khu quy hoạch vào trong đô thị, hình thành đường cây xanh mang tính biểu tượng kế thừa văn hóa, lịch sử An Thới. Ngoài ra, xây các kênh mương có khả năng đối phó với mưa lớn quá 100mm/ giờ dọc theo đường cây xanh, bổ sung thêm chức năng phòng chống thiên tai cho khu vực.

Rừng phòng hộ, khu bảo tồn cây xanh:

Về cơ bản không quy hoạch thay đổi rừng phòng hộ (ngoài khu quy hoạch) theo quy định của thông tư số 99/2006/TT-BNN. Với các khu đất không phù hợp để phát triển như khu đất có độ dốc lớn quanh rừng phòng hộ, khu gò đồi,…thống nhất bảo vệ môi trường tự nhiên như hiện tại. Về rừng phòng hộ, chỉ những diện tích được giới hạn trong tài liệu số 99/2006/TT-BNN mới được tiến hành khai thác phát triển.

Khai thác 5% diện tích rừng phòng hộ:

Sử dụng 15% diện tích rừng phòng hộ để khai thác làm đường, bãi đỗ xe (cả hai đều không trải nhựa)

Không khai thác phát triển 80% diện tích rừng phòng hộ.

Khu sản xuất nước mắm:

Bố trí khu sản xuất nước mắm tại phía Bắc khu quy hoạch. Quy mô khu sản xuất được mở rộng từ 20 ha như quy hoạch hiện hữu lên thành 34 ha.

Công trình nuôi trồng thủy sản:

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án hỗn hợp du lịch và trung tâm giống thủy hải sản phú quốc(50,3ha).

QHCTXD khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại Phú Quốc(23,8 ha).

3. Quy hoạch sử dụng đất phường An Thới Phú Quốc

Quy hoạch đất ở khu đô thị An Thới Phú Quốc có diện tích 1.022 ha, rừng phòng hộ khoảng 222,8 ha tổng diện tích được quy hoạch khoảng 1244,8 ha.

Quy hoạch sử dụng đất phường An Thới

Phường An Thới chia khu quy hoạch ra thành 6 khu với những nét đặc trưng riêng

Khu cảng hành khách: khu trung tâm phường An Thới, là khu vực bao gồm cảng hành khách quốc tế xây mới và khu tập trung thương mại quy mô lớn nhất An Thới gần trục chính Đông Tây, đây cũng là khu trung tâm phường An Thới.

Thông qua việc bố trí cảng khách và tập trung các công trình thương mại tại khu vực lân cận trục chính Đông Tây để thu hút khách du lịch sử dụng cảng, mang lại sự sôi động cho toàn khu An Thới.

Bố trí khu phi thuế quan với các khách sạn dành cho khách du lịch nước ngoài và các cửa hàng miễn thuế tại khu tiếp giáp với phía Đông cảng hành khách.

Bố trí các tòa nhà thương mại, văn phòng cao tầng tại khu vực giao điểm giữa trục chính Bắc Nam và trục chính Đông Tây.

Công trình thương mại có trung tâm là các công trình vui chơi giải trí cho những dịp đặc biệt như khách sạn, khu phố mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng,… phục vụ chủ yếu khách du lịch và các thương nhân. Bên cạnh đó là các công trình dịch vụ của các hãng du lịch, công nghiệp địa phương.

Khu đô thị mới phía Nam: Khu vực có trung tâm là các công trình hành chính, công trình nghỉ dưỡng, công trình hỗn hợp, nhà ở nằm ở phía Nam trục chính Đông Tây. Xây dựng khu khách sạn resort tại bờ biển phía Tây tận dụng bờ biển xinh đẹp. Bên cạnh đó, bố trí công trình hỗn hợp tại khu vực dọc theo trục chính Bắc Nam, nơi có triển vọng tập trung nhiều khách du lịch, tạo không gian sôi động nhộn nhịp.

Hiện tại, chủ đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã khởi công xây dựng một dự án bất động sản mới, một khu đô thị mới hiện đại, tinh khiết bậc nhất với quy mô lên đến 56,09 ha tại khu vực phía Nam Bãi Trường , cách trung tâm phường An Thới chỉ với 5 phút di chuyển. Qúy khách hàng có thể xem thông tin dự án tại đây.

Khu đô thị phía Nam lại được chia thành 6 phân khu:

Khu công trình hành chính: Các chức năng được đưa vào công trình hành chính tạo sự thuận tiện cho người dân, cụ thể như: Ủy ban nhân dân, Đảng ủy,Trụ sở cảnh sát, Trụ sở PCCC và các phòng ban liên quan khác thuộc phường An Thới.

Khu khách sạn resort: Xây dựng các khách sạn resort ven biển trung và thấp tầng tại khu vực bờ biển phía Tây trục chính Đông Tây. Xây dựng khách sạn resort cao tầng có tầm nhìn ra biển đẹp tại phía Đông trục chính Đông Tây.

Khu hỗn hợp dọc trục chính Bắc Nam: Tại tầng thấp của khu hỗn hợp bố trí các công trình thương mại, tầng trung và cao bố trí chủ yếu là nhà ở qua đó tạo không gian sôi động nhộn nhịp cả ngày nghỉ cũng như ngày thường. Tại các công trình thương mại ở tầng thấp, đưa vào các chức năng đáp ứng được nhu cầu phong phú của người sử dụng như bố trí các cửa hàng phục vụ khách du lịch, các siêu thị,…

Khu hỗn hợp, khu nhà ở gần trục tâm linh: Quy hoạch đồng bộ khu hỗn hợp và trục tâm linh, tạo không gian nghỉ ngơi nhộn nhịp cho khu vực. Các cửa hàng ăn uống tại khu thấp tầng của công trình hỗn hợp sẽ áp dụng hình thức cửa hàng ngoài trời tận dụng địa hình đường cây xanh.

Khu nhà ở liên kề, chung cư tại chân núi Ông Quán: Đưa màu xanh của núi Ông Quán vào nội bộ khu nhà ở tạo không gian sống với thiên nhiên phong phú tươi đẹp.

Quảng trường giao thông – Bãi đỗ xe công cộng – Trạm xăng dầu: Đường ray xe điện gồm 2 đường, đường ray thứ nhất đi từ cảng vận chuyển hàng hóa qua tỉnh lộ 46 lên phía Bắc đến Dương Đông và đường ray thứ hai xuyên qua đường An Thới – Cửa Lấp, qua Bãi Trường đến Dương Đông, có thể đổi tàu tại quảng trường giao thông này. Tuyến tàu điện tramway gồm hai tuyến chính, một tuyến từ cảng hàng hóa đi lên phía Bắc hướng đến Dương Đông theo trục tỉnh lộ 46, và một tuyến chạy dọc đường An Thới – Cửa Lấp, đi qua Bãi Trường, hướng đến Dương Đông nên có thể đổi tuyến tại quảng trường giao thông này. Bên cạnh đó cũng có thể đổi tuyến sang xe buýt và xe ô tô tại đây.

Khu đô thị mới phía Bắc: Khu vực có trung tâm là khu hỗn hợp, khu nhà ở nằm ở phía Bắc trục chính Đông Tây. Khu đô thị phía Bắc cũng được chia thành 3 phân khu:

Công trình hỗn hợp dọc theo trục chính Bắc Nam: Tại tầng thấp của công trình hỗn hợp bố trí các công trình thương mại, tại tầng trung và cao bố trí nhà ở tạo bầu không khí sôi động, tại các công trình thương mại ở tầng thấp, đưa vào các chức năng đa dạng đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng như phục vụ nhu cầu mua sắm thường nhật của người dân, các cửa hàng tạp hóa và các cửa hàng phục vụ cho các khu resort.

Khu hỗn hợp, khu nhà ở gần trục tâm linh: Quy hoạch đồng bộ khu hỗn hợp và trục tâm linh qua đó tạo không gian nghỉ ngơi nhộn nhịp cho khu vực. Đồng thời bố trí các tòa nhà cao tầng có giá trị cao hài hòa với cây xanh của đường cây xanh tại cả khu hỗn hợp và khu nhà ở.

Công viên lân cận trên đồi, công trình công cộng, nhà ở thấp tầng (biệt thự đơn lập song lập): Bố trí tập trung các công trình công cộng: trung tâm khu vực, công trình giáo dục,y tế xung quanh công viên lân cận, tạo không gian công cộng đồng bộ, nâng cao sự thuận tiện cho người sử dụng. Tại phần dốc phía Nam công viên lân cận, quy hoạch đường tận dụng điều kiện địa hình và bố trí nhà ở thấp tầng (biệt thự đơn lập song lập).

Khu resort dạng trải nghiệm khám phá phức hợp: Khu resort dạng trải nghiệm phức hợp được bố trí tại phía Đông núi Ra-Đa, là nơi du khách có thể vừa nghỉ ngơi vừa trải nghiệm các môn thể thao hay quan sát động vật hay du lịch lên núi bằng đường bộ.

Chi tiết từng khu vực trong phân khu resort dạng phức hợp:

Công trình lưu trú: Bố trí khách sạn có thể lưu trú lâu dài tại phần gần như trung tâm khu resort phức hợp.

Công trình văn hóa: Đưa các chức năng dưới đây vào công trình văn hóa. Cần chú trọng đưa vào các công trình giúp du khách thưởng thức nghệ thuật thực tế hơn là các viện bảo tàng, bảo tàng mỹ thuật. Cụ thể chú ý đến các loại hình nghệ thuật như: sân khấu âm nhạc trong nhà và ngoài trời hoặc các xưởng trải nghiệm nghệ thuật, thư viện.

Công viên TDTT: Bể bơi, nhà thi đấu, sân tennis, phòng thể dục, võ đường, sân bóng được xây dựng phục vụ tối đa nhu cầu của người sử dụng.

Vườn thú, vườn thực vật, vườn chim cảnh: Bao gồm: Vườn thú, thủy cung, vườn chim cảnh, vườn thực vật, vườn hoa.

Khu cắm trại, du lịch lên núi bằng đường bộ: Bãi cắm trại, nhà gỗ một tầng bungalow, cung đường du lịch lên núi bằng đường bộ.

Khu cảng vận chuyển hàng hóa – khu trung tâm phường hiện hữu: Là khu vực có trung tâm là cảng An Thới được mở rộng từ cảng hiện hữu thành cảng vận chuyển hàng hóa quốc tế và khu đường phố hiện hữu.

Chi tiết từng phân khu trong khu vực vận chuyển hàng hóa – khu trung tâm phường hiện hữu

Khu cảng vận tải hàng hóa: Cảng vận tải hàng hóa có lượng hàng hóa đáp ứng và số du khách hướng tới trong tương lai được quy định theo quyết định số 633/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ. Trong tương lai, nếu cảng hàng hóa không đáp ứng được do lượng thuyền chở khách tăng thì có thể sử dụng cảng khách phía Tây Bắc An Thới (phía Nam núi Ra-Đa).

Năng lực bốc dỡ hàng: 500.000~700.000t/năm.

Số du khách: 360.000 người/năm.

Các chức năng dự kiến đưa vào cảng vận tải hàng hóa cụ thể như sau:

  • Văn phòng quản lý, Thuế quan, Sảnh vào
  • Sân thượng, kho lộ thiên
  • Kho phi thuế quan
  • Công trình hỗ trợ thuyền bè (bổ sung dầu, nhiên liệu…)
  • Xưởng sửa chữa, kho tàu
  • Bãi đỗ xe

Các chức năng dự kiến đưa vào cảng khách cụ thể: Tòa nhà cảng khách, hải quan, nhà hàng, cửa hàng cà phê, bãi đỗ xe.

Về cảng cá: Tiếp tục sử dụng các công trình hiện hữu tuy nhiên xây dựng thêm một số công trình để đáp ứng nhu cầu mới, cụ thể như sau: Công trình bảo quản ngư cụ, công trình bổ trợ, công trình xử lý, bảo quản, chế biến hải sản, bãi đỗ xe.

Công trình thương mại dịch vụ, nhà ga xe điện: Các công trình thương mại chủ yếu là các cửa hàng phục vụ khách du lịch, các siêu thị phục vụ cho nhu cầu thường nhật của người dân, các đại lý tàu thuyền, văn phòng của các cơ sở vận tải, ngành tài chính phục vụ cho công nghiệp phân phối và vận chuyển hàng hóa.

Khu trung tâm phường hiện hữu: Khu trung tâm phường hiện hữu có công trình hạ tầng không đầy đủ, dân cư tập trung đông đúc, nảy sinh nhiều vấn đề về vệ sinh, môi trường và phòng chống thiên tai hỏa hoạn. Hiện tại, nhiều khu đất không đủ điều kiện xây dựng theo luật xây dựng hiện nay, vấn đề sở hữu phức tạp nên không thể tiến hành xây dựng cải tạo mới.

Tại những khu vực tập trung đông dân cư này, cần thực hiện các dự án tái phân bổ đất để cải thiện và xây dựng các công trình công cộng như công trình giáo dục, bệnh viện, đường xá, công viên…, chỉnh đốn lại khu vực, thúc đẩy việc phát triển và sử dụng hiệu quả sử dụng đất.

Trong các dự án tái phân bổ đất, mỗi chủ sở hữu đất cung cấp một phần đất cho dự án (giảm diện tích), diện tích cung cấp đó được bù lại bằng diện tích công cộng được tăng lên như đường xá, công viên,… một phần đất thu được sẽ được bán để bù đắp cho kinh phí thực hiện dự án.

  • Vốn thực hiện dự án được cấu thành từ vốn thu được từ việc bán đất dự trữ và vốn do chính quyền cấp tương ứng với kinh phí xây dựng đường xá cho quy hoạch đô thị và các công trình công cộng (gồm cả tiền thu mua đất).
  • Nguồn vốn này được sử dụng để thi công các công trình công cộng, san nền đất dân cư, đền bù di dời…
  • Đối với các chủ sở hữu đất, diện tích đất sở hữu sẽ nhỏ đi so với trước khi thực hiện dự án, nhưng các công trình công cộng sẽ được xây dựng như đường xá, công viên và các lô đất sẽ được phân lô vuông vắn, sẽ làm cho giá trị nhà ở cao hơn so với trước khi thực hiện dự án.

Resort ven biển phía Tây núi Ông Quán: Cùng với việc bảo tồn cây xanh, xây dựng resort ven biển với trung tâm là các biệt thự, khách sạn thấp tầng tận dụng mặt dốc núi tại phía Tây núi Ông Quán.

Đất quân sự: Giữ nguyên 3 khu đất quân sự trong khu vực này.

Cáp treo: Tại núi Cô Chín ở phía Nam là dự án quy hoạch cáp treo kết nối với đảo Nam An Thới. Nhờ vào dự án cáp treo này có thể phát triển du lịch một cách đồng bộ giữa An Thới với đảo Nam An Thới.

Khu quy hoạch phát triển hiện hữu: Khu vực có trung tâm là các quy hoạch hiện hữu nằm ở phía Bắc khu đất nghiên cứu như Quy hoạch nhà ở Suối Lớn, khu tái định cư, quy hoạch khu sản xuất nước mắm, quy hoạch công trình nuôi trồng thủy sản,…

Chi tiết từng khu vực trong phân khu quy hoạch phát triển hiện hữu:

Khu dân cư và đô thị mới Suối Lớn – 141,4 ha: Là QH khu nhà ở với trung tâm là nhà ở thấp tầng, nhà ở trung-cao tầng và khu hỗn hợp. Sau khi tiến hành xem xét lại một số phần của hình dạng đường và để bảo vệ sông ngòi hiện trạng- theo QH hiện hữu sẽ bị lấp đi để xây nhà ở,… Diện tích nhà ở và dân số quy hoạch được quy định giảm bớt do một số thay đổi nhỏ so với quy hoạch hiện hữu.

Khu tái định cư phường An Thới: Đất tái định cư sẽ nằm ở khu vực trung tâm đô thị dưới chân núi Ông Quán tuy nhiên sau khi tính toán hiệu quả đầu tư, khu vực này được di dời về phía Bắc khu quy hoạch. Kiểu dáng nhà, số hộ cho mỗi kiểu nhà, diện tích mặt bằng tại khu đất tái định cự được tính theo quy hoạch hiện hữu.

Khu sản xuất nước mắm huyện Phú Quốc: Theo quy hoạch hiện hữu, quy mô của khu sản xuất khoảng 20,7 ha tuy nhiên theo yêu cầu của Sở xây dựng và ban quản lý đảo Phú Quốc chúng tôi đã mở rộng quy mô lên đến 34 ha. Ngoài ra, căn cứ vào quy hoạch hiện hữu để bố trí các công trình hạ tầng như công trình cấp điện, công trình xử lý nước thải,…

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án hỗn hợp du lịch và trung tâm giống thủy hải sản phú quốc – 50,3 ha: Là công trình nuôi trồng thủy sản tổng hợp bao gồm các cơ sở nuôi trồng tôm, cơ sở chế biến rong biển, công trình nghiên cứu thí nghiệm, nhà ở cho công nhân,…Ngoài ra, bố trí đưa vào các công trình hạ tầng như trạm xử lý nước thải, đưa vào công viên cây xanh,…

Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái hải dương – 12,3 ha: Công trình resort ven biển bao gồm chủ yếu là các công trình nghỉ trọ thấp tầng.

QHCTXD khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại Phú Quốc – 23,8 ha: Quy hoạch đầu tư được lập bởi chính phủ. Tuy khu vực quy hoạch đã được xác định các nội dung quy hoạch cụ thể vẫn chưa được quy định rõ.

Khu hỗn hợp du lịch kết hợp sản xuất ngọc trai – 4,9 ha: Quy hoạch resort du lịch với chủ đề ngọc trai-một sản vật nổi tiếng của đảo Phú Quốc. Tuy khu vực quy hoạch đã được xác định những nội dung quy hoạch cụ thể vẫn chưa được quy định rõ.

Bãi tắm công cộng (Công viên) – 2,8 ha: Bố trí bãi tắm công cộng đảm bảo cho người dân thành phố có thể tự do vui chơi tắm biển. Tại bãi tắm công cộng này cũng được bố trí những không gian ngắm cảnh, cafe, nhà hàng,…

Tại khu vực lên xuống cáp treo sẽ bố trí kết hợp các công trình như đài vọng cảnh, nhà hàng,… Ngoài ra, tại núi Cô Chín sẽ bố trí đường leo núi (đi bộ và xe đạp) để tiếp cận đến đài vọng cảnh.

Với những đề án quy hoạch An Thới 2020 và tầm nhìn 2030, phường An thành phốThới Phú Quốc được định hướng là một trọng điểm phát triển kinh tế trong khu vực Đông Nam Á nói chung và là một trong những mũi nhọn kinh tế đặc biệt của Phú Quốc nói riêng, đầu mối giao thương mậu dịch với các trọng điểm kinh tế khác như Campuchia, Thái Lan và đặc biệt là Singapore, Malaysia,…

(Nguồn: PQ)

Bình luận
Thiết kế © 2021 Công ty Cổ phần địa ốc 19
0902266769
Google Tag Manager: